Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Hà Nội phát triển điện nông thôn ngang bằng nội đô

Thay thế côngtơ cho các hộ dân tại Ba Vì. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)


Giấc mơ có thật
Năm 2008, xã Yên Trung, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) nay là huyện Thạch Thất (Hà Nội) có 144 hộ dân sinh sống tại thôn Hương và thôn Hội hầu như chưa biết đến ánh sáng điện lưới, chỉ “tù mù” trong ánh đèn dầu leo lét hay điện ắc quy, thủy điện nhỏ, phập phù theo túi tiền gia chủ. Nhưng chỉ sau sát nhập về Thủ đô được ít ngày, điện đã bừng sáng như là một giấc mơ có thật với bà con dân tộc Mường nơi đây.
Chủ tịch xã Yên Trung, ông Đinh Quang Tho chia sẻ, có điện lưới quốc gia, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương được khai mở, đời sống của người dân có nhiều khởi sắc, từ chỗ thu nhập 51 triệu đồng/ha/năm canh tác các loại cây trồng vào năm 2007, nay tăng lên 89 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt, từ khi có điện, hạ tầng được đầu tư, trường lớp khang trang, chất lượng giáo dục trong xã đã cao hơn hẳn, nhiều học sinh đỗ đại học.
Bà Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chánh văn phòng Tổng công ty Điện lực Hà Nội nhớ lại, khi mới tiếp nhận ba xã thuộc Hòa Bình về Hà Nội, Điện lực Hà Nội nhận được chỉ đạo bằng mọi giá khẩn trương đầu tư để người dân có được ánh sáng điện như các nơi ở Thủ đô.
Gấp rút kéo dây, lắp trạm biến áp, lắp đặt công tơ, chỉ sau hơn hai tháng, ngày 8/10/2008 trạm biến áp thôn Hương, thôn Hội chính thức đóng điện đi vào vận hành đánh dấu bước ngoặt "lịch sử" trong đời sống sinh hoạt của người dân xứ Mường.
Bà Hoàng Anh cho biết thêm, để cấp điện cho ba xã Yên Trung, Yên Bình và Tiến Xuân, Điện lực Hà Nội đã đầu tư hơn 24 tỷ đồng.
Ngoài ra, không chỉ có huyện Thạch Thất mà các địa phương như Ba Vì, Ứng Hòa, Thường Tín, Sơn Tây, Đan Phượng..., Mạng lưới điện cũ, trạm biến áp đã được thay mới, đảm bảo cấp điện ổn định.
Về vấn đề chất lượng điện sau khi nhập về Hà Nội, anh Nguyễn Kiên, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái, huyện Thường Tín chia sẻ, trước đây chất lượng điện yếu, phập phù. Nhưng kể từ năm 2010 đến nay điện ổn định hơn hẳn, hợp đồng bán điện được ký với từng hộ dân, giá bán điện không qua "cai thầu" nên rẻ hơn trước, lịch cắt và cấp điện được thông báo rõ ràng, không để bị ảnh hưởng đến sản xuất. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã đầu tư trạm biến áp riêng, đồng thời mua cưa, máy bào, máy sơn..., Để hỗ trợ sản xuất, giúp năng suất, chất lượng các sản phẩm sơn mài được nâng lên, người dân rất phấn khởi.
Nỗ lực đưa chất lượng điện miền núi như ở nội đô
Tính đến hết 31/12/2012 Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp đến toàn bộ 273 xã, phường, thị trấn và 19 xã bán một phần với tổng số 577.690 hộ dân.
Nhìn chung mạng lưới điện của những xã mới tiếp nhận đều ở tình trạng cũ nát, đường dây tiết diện nhỏ, chất lượng điện không ổn định, hao tổn lớn.
Trước thực trạng này, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có "Đề án điện nông thôn giai đoạn 2008-2012" nhằm cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện ở nông thôn, đặc biệt là 13 xã miền núi.
Với các nguồn vốn như dự án năng lượng nông thôn RE2, quỹ Đầu tư Phát triển, Điện lực Hà Nội đã bắt tay xây dựng mới 191 trạm biến áp công suất 72.042kVA; nâng công suất 85 trạm biến áp công suất tăng thêm 15.120kVA; xây dựng mới 103km đường dây trung áp; thay mới được 568.586 côngtơ gồm thay công tơ, hòm công tơ, dây dẫn và phụ kiện, đạt tỷ lệ thay mới công tơ là 94,05%. Tổng mức đầu tư cho hệ thống điện nông thôn sau 5 năm là trên 1.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Mai Chí Hùng, Phó Tổng giám đốc, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, trong 5 năm qua Điện lực Hà Nội còn tổ chức ký hợp đồng mua bán điện với 100% khách hàng sử dụng điện ở nông thôn; thực hiện áp giá bán điện theo đúng qui định của Nhà nước. Khi hệ thống lưới điện ở nông thôn được đầu tư, cải tạo, có lợi ích thiết thực, giảm hao tổn điện năng từ 30% xuống còn 10%.
Về việc đầu tư cho mạng lưới điện nông thôn theo hướng hiện đại, đảm bảo chất lượng điện tốt hơn, ông Mai Chí Hùng chia sẻ, Điện lực Hà Nội tiếp tục có kế hoạch đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường dây trung và hạ áp, thay thế biến áp công suất nhỏ, công tơ cũ, cho nhiều huyện, thị khu vực nông thôn, song có một thực tế Thủ đô là địa bàn rộng, có nhiều dạng địa hình khác nhau nên việc đầu tư lắp đặt cần một nguồn kinh phí lớn, trong khi ngành điện chưa thể đáp ứng, rất cần tạo điều kiện cho ngành điện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trong và ngoài nước.
Thêm nữa, trên địa bàn thành phố Hà Nội, còn 76 xã, khu vực với hơn 200.000 khách hàng có lưới điện hạ thế nông thôn chưa bàn giao cho ngành điện quản lý, dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư nâng cấp sửa chữa, cũng như đảm bảo sử dụng điện an toàn.
Những vấn đề trên đang cần cần có sự quan tâm chỉ đạo giải quyết của thành phố Hà Nội trong thời gian tới, để mạng lưới điện nông thôn ngày một tốt hơn./.

Mạnh Khánh (TTXVN)